Trước 1975 Học tập cải tạo tại Việt Nam

Thời kỳ Pháp thuộc

Thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thực dân cho thành lập các trại tập trung, cải tạo để giam giữ những người chống đối. Đây thường được gọi dưới cái tên như trại cải tạo hay trại lao động đặc biệt. Tiêu biểu có trại Noong Nhai tại Điện Biên hay trại Bà Rá ở Phước Long. Khu tập trung Noong Nhai có hơn 3000 người dân, hầu hết là người dân tộc Thái.[1] Tại trại Bà Rá thực chất là một trại giam để giam giữ tù chính trị và tội phạm chưa kết án. Đối với tội phạm thường, họ được sử dụng làm nhân công làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Các lao động tù nhân theo từng nhóm 25 hoặc 50 người phục vụ lao động công ích như đào đường, nạo nét kênh rạch, san lấp đường sá. Đối với tù chính trị, họ phải đi khai khẩn đất hoang và phải làm việc dưới sự giám sát của các lính canh đồn điền. Các tù chính trị cho thấy họ không tin tưởng vào lực lượng quản lý của trại.[2] Cùng với sự đối xử dã man của cai ngục, địa thế hiểm trở, cách biệt của nhà tù Bà Rá đã khiến việc cung cấp, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, …cho trại tù rất hạn chế, do đó tù nhân tại đây sống rất thiếu thốn, khổ cực, bệnh dịch nặng nề và triền miên, nhiều tù nhân đã chết tại trại.[3][4]

1954-1975

Chế độ cải tạo lao động rập theo khuôn mẫu của Trung Quốc[5] đã được áp dụng tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ năm 1954 với tội phạm hình sự, tù binh đối phương và tù nhân bị kết án chống đối chính quyền.[6] Theo văn bản luật pháp thì quy chế giam giữ tại trại cải tạo chiếu theo nghị quyết 49 (49-NQTVQH) của Hội đồng Bộ trưởng thông qua ngày 20 tháng 6 năm 1961 và bắt đầu áp dụng kể từ 8 tháng 9, các đối tượng này là "thành phần phản cách mạng" và đe dọa an ninh công cộng.[7] Theo đó, người từ 18 tuổi trở lên, có hành động nguy hại cho xã hội, đã được giáo dục nhiều lần mà không hối cải, nhưng xét thấy không cần đưa ra Tòa án nhân dân xử phạt thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào trại cải tạo lao động. Những người được giáo dục cải tạo không bị coi như phạm nhân có án phạt tù, nhưng trong thời gian giáo dục cải tạo không được hưởng quyền công dân. Những người này được hưởng chế độ về lao động, học tập, ăn ở theo quy định, và phải tuân theo kỷ luật giáo dục cải tạo, thời hạn giáo dục cải tạo là 3 năm. Những người cải tạo tốt sẽ được về trước thời hạn, những người hết 3 năm mà không chịu cải tạo thì thời hạn giáo dục cải tạo có thể bị kéo dài hơn.[8]

Tại miền Nam, chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm cũng thành lập các trại tập trung trong chương trình Tố Cộng diệt Cộng.[9] Từ đầu mùa hè năm 1955 đến giữa năm 1958, số lượng người bị đưa vào các trại tập trung, cải tạo được Hoa Kỳ ước tính từ 50.000 đến 100.000 người.[10] và trong giai đoạn 1955-1960 là 500.000 người.[11] Tình trạng binh lính Việt Nam Cộng hòa giết hại tù nhân trong trại thường xuyên xảy ra. Để che mắt dư luận, chính quyền Ngô Đình Diệm thường bố trí một sân tập bắn ngay cạnh khu trại giam. Chế độ trong trại cho người bị giam rất kham khổ với điều kiện sống không đảm bảo, với dịch bệnh thường xuyên.[12] Dư luận chỉ biết tới tình trạng này khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính.

Theo báo cáo đặc biệt năm 1973 của Tổ chức Ân xá quốc tế (amnesty international - AI), có tồn tại việc chính phủ Việt Nam Cộng hòa đàn áp những người cộng sản, trong đó có việc lạm dụng các điều luật mơ hồ để bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn, và xét xử bằng toà án binh. Nhiều người đã bị bắt mặc dù họ không có liên hệ với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Theo AI, tình trạng tra tấn, bức cung, nhục hình tại các trại cải tạo vẫn diễn ra thường xuyên. Từ năm 1972, hội Chữ thập đỏ bị ngăn cấm vào tiếp xúc và hỗ trợ cho tù chính trị.

Về phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, AI cho biết, một số người bị giam giữ đã được chuyển ra ngoài Bắc. Sau khi Hiệp định Paris được ký, đã có hơn 600 tù nhân được họ trao trả cho phía đối phương. Đây là toàn bộ số lượng người bị giam dân sự mà họ có (con số này được AI cho là rất nhỏ khi xét thấy số lượng nhân viên dân sự của Việt Nam Cộng hòa là hơn 67.000 người). Phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không giam giữ những người thuộc lực lượng chính trị thứ ba, đồng thời họ cũng cung cấp danh sách 16.754 nhân viên dân sự của họ đang bị phía Hoa Kỳ/Việt Nam Cộng hòa giam giữ. AI thừa nhận không có tra tấn trong các trại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng tình trạng cuộc sống của người bị giam giữ không được tốt. Phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam giải thích do đang trong tình trạng chiến tranh, các trại phải di chuyển liên tục, nguồn viện trợ từ miền Bắc hạn hẹp đến nỗi ngay cả binh lính Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam còn bị thiếu ăn, thương binh nhiều lúc đã thiệt mạng vì thiếu thuốc men. Do đó, họ chỉ có thể đảm bảo những nhu cầu đơn giản nhất của những người bị giam giữ là đảm bảo cho những người này được sống.[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Học tập cải tạo tại Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/04/1... http://luutruvn.com/index.php/2015/10/17/trai-lao-... http://www.ocf.berkeley.edu/~sdenney/Vietnam-Reedu... http://www.yale.edu/seas/bibliography/chapters/cha... http://dartcenter.org/content/camp-z30-d-survivors http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/a-sg-promin... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/12... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Giu-gin-trat-t... http://antg.cand.com.vn/77421.cand